Tuổi thơ là thời gian trẻ khởi đầu việc tiếp thu tri thức và hình thành nhân cách. Ở độ tuổi này, trẻ cần được bồi dưỡng với những hoạt động nhằm trước hết là hình thành thói quen ham học và biết cư xử. Quan trọng hơn, các em phải học cách học để dần biết độc lập, tự tin và có ý thức trách nhiệm đối với bản thân cũng như những người gần gũi. Để làm được điều này, nhà trường theo đuổi thực hiện 5 nguyên tắc xuyên suốt sau, làm kim chỉ nam cho mọi chương trình, hoạt động nuôi dạy như sau.
1. Xây dựng các mối quan hệ, tương tác tích cực giữa trẻ và thầy cô giáo là nền tảng để các em học tập thành công
Trẻ tiếp thu tốt nhất nếu sống và học tập trong môi trường được thương yêu, chăm sóc. Các em hình thành những giá trị sống một cách tự nhiên thông qua tình cảm mà các em tiếp nhận được từ người lớn. Hoạt động học tại lớp được tổ chức như một tiểu cộng đồng mang tính tiếp sức để các em hồn nhiên tương tác lẫn nhau và với thầy cô giáo nữa.
2. Năng lực tình cảm-xã hội là yếu tố thành công trong học tập
Năng lực xã hội là khả năng tạo lập các mối quan hệ tích cực như biết chia sẻ, hợp tác, an ủi và giúp đỡ người khác. Khi được phát triển các kỹ năng xã hội, trẻ sẽ biết tự điều chỉnh hành vi, biết tự lập, kiểm soát được cảm xúc và bắt đầu phát huy sáng kiến trong học tập. Do đó, nhà trường xem vai trò của các thầy cô nuôi dạy là một trong những tác tố mẫu mực, trực tiếp hình thành và vun đắp năng lực này.
3. Hoạt động chơi phải được thiết kế theo định hướng và có chủ đích bổ sung cho việc học
Chơi là chuyến xe tuyệt vời để đưa các em vào hành trình phát triển tư duy lô-gíc, kỹ năng quan sát, so sánh, phân loại, sắp xếp và lựa chọn. Khi chơi được định hướng và có chủ đích, thông qua vai trò làm mẫu của thầy cô giáo hay các bạn đồng lứa, các em rèn luyện và nâng cao các kỹ năng học tập lẫn kỹ năng sống.
4. Môi trường vật chất ảnh hưởng đến loại hình và chất lượng học tập
Chất lượng cao của môi trường vật chất, bao gồm cả các thiết bị và dụng cụ học tập, chẳng những tỷ lệ thuận với hiệu quả tiếp thu mà còn làm cho các em cảm thấy gần gũi, cảm nhận được thực tại là mình đang được thỏa thích vui với ngay chính không gian các em đang học tập; và quan trọng hơn là, góp phần hình thành nhân cách, bản sắc hay hình ảnh cá nhân mà các em mong muốn trở thành.
5. Sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình nâng cao chất lượng phát triển và học tập của trẻ
Gia đình thường được xem là những thầy cô giáo đầu đời của các em. Am hiểu văn hoá gia đình, qua giao tiếp với phụ huynh là phương cách để hiểu thêm về đối tượng nuôi dạy. Xây dựng quan hệ tích cực giữa gia đình và nhà trường phải bằng giao tiếp hai chiều về tiến bộ của trẻ, trên tinh thần hợp tác, tôn trọng và cộng đồng trách nhiệm. Nhà trường quan niệm rằng mọi hình thức tham gia, đóng góp của quý phụ huynh đối với nhà trường cần được cổ vũ ở mọi lúc – là cộng lực vô cùng ý nghĩa để nâng cao chất lượng giáo dưỡng.
2 Nhận xét
Các hoạt động của các bé đáng yêu quá
Trả lờiXóaCác cháu được hoạt động vui quá. Xin cảm ơn BGH và các cô
Trả lờiXóa